Thời tiết ẩm ướt luôn là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, mà thức ăn là loại để bị tấn công nhất, không chỉ thức ăn nấu sẵn ngay cả các thực phẩm khô cũng bị chúng tấn công dể dàng. Vi sinh vật, nấm, mốc, toàn những vi khuẩn có hại chẳng những làm giảm chất lượng dinh dưỡng có trong thức ăn còn làm hư hỏng thức ăn, lại gây ra các độc tố có hại cho sức khỏe biểu hiện nhanh nhất là tiêu chảy, hay sản sinh aflatoxin gây ung thư nữa.
Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, Trưởng phòng Vi sinh vật phân tử (Viện Công nghệ Sinh học), nếu bảo quản kém, thực phẩm sẽ sinh ra các loại nấm như nấm xanh, nấm có mũ… đều chứa chất Aflatoxin – chất cực độc đối với sức khoẻ con người. Trong các loại lương thực thực phẩm như lạc, ngô, hạt sen… thì lạc chiếm tỷ lệ mốc và chứa chất độc này cao nhất.
Aflatoxin nguy hiểm vì gây hại chỉ với liều lượng rất nhỏ, 1kg thức ăn chỉ cần nhiễm 2 miligam (đủ dính đầu móng tay) cũng đã đủ làm hỏng gan.
Aflatoxin là một độc tố, bền vững với nhiệt độ cao. Rang lạc, ngô bị mốc ở nhiệt độ rất cao nhưng độc tố vẫn không bị phá hủy hoàn toàn.
Thời tiết nồm ẩm còn khiến thực phẩm, đồ dùng bị mốc, mủn… Thớt gỗ, đũa ăn cơm 1 ngày không dùng là sờ vào thấy có nhớt. Thức ăn để qua đêm bên ngoài rất dễ sinh đốm mốc, chưa kể vi nấm, vi khuẩn phát triển ồ ạt mắt thường không nhìn thấy.
Nấm mốc phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc… gây biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, dinh dưỡng. Nấm mốc, vi khuẩn các loại nhanh chóng làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc.
Người già, trẻ nhỏ thương là đối tượng dể bị tấn công nhất vì sức đề kháng yếu.
Khi bị nhiễm nấm mốc sẽ gây ho, thường xuyên thấy mệt mỏi, mắt và họng bị kích thích, đau đầu, da dẻ mẫn cảm, hay buồn nôn, tiêu chảy mất nước gây đến suy kiệt cơ thể.
Các bào tử nấm còn gây viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến ho, viêm đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, viêm xoang, viêm phế quản, dị ứng…
Vậy để đảm bảo sức khỏe, bạn nên bảo quản thực phẩm thế nào để giảm hư hỏng ?
- Không để đồ ăn qua đêm bên ngoài, mà phải bảo quản trong tủ lạnh. Lỡ để quên qua đêm thì không nên tiếc nữa.
- Thực phẩm mua về, hoặc dùng xong cất ngay vào tủ lạnh. Nên cho thực phẩm vào tủ lạnh khi còn tươi nhất.
- Trong điều kiện ở nông thôn, miền núi không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm thì chỉ nên mua ít thực phẩm, không tích trữ lưu cữu thức ăn, thực phẩm để phòng nấm mốc gây ngộ độc. Thực phẩm mua về nên bảo quản ở nơi thoáng mát, hoặc có thể cho vào túi nilon rồi ngâm vào chậu nước lạnh.
- Các loại thực phẩm có mùi như bơ, pho mát, cá… cần bọc nilon mới cho vào tủ lạnh.
- Thực phẩm đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1, 2 ngày. Khuyến khích sử dụng hết thực phẩm sau khi đã được nấu chín, vì chỉ hơi ẩm cũng dễ xuất hiện các loại mốc tại các điểm hở nhỏ.
- Rã đông thực phẩm cần phải dùng ngay.
- Nơi bảo quản thực phẩm phải chống ẩm tốt và thông gió.
- Dao thớt khi dùng xong nên rửa luôn, rửa sạch, treo hoặc kê lên để thớt nhanh khô.
- Bát đũa nên “tãi” ra cho khô, không nên dồn đống khiến rửa từ sáng mà đến chiều ăn thấy đũa vẫn còn ẩm, ướt. Tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì hơ qua lửa để sấy khô đũa, thớt, diệt vi khuẩn, nấm mốc.
Tóm lại bạn nên cẩn thận hơn trong việc sử dụng và bảo quản thực phẩm đừng ăn những thức ăn đã bị nhiễm, hay tiêc bỏ thức ăn mà ăn vào những loại gây hại cho sức khỏe, hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân trước các bệnh dể bị khi ăn thức ăn nhiễm khuẩn nhé.