Mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, hướng dẫn và được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM chọn chợ Tân Chánh Hiệp, Quận 12 thí điểm.
Chợ an toàn thực phẩm yêu cầu kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quầy sạp, trang thiết bị sạch sẽ. Đây cũng một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và cần nhân rộng, nhất là ở nơi có đông dân cư như TPHCM.
Mục tiêu của “Chợ an toàn thực phẩm” là hướng đến đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ truyền thống.
Mô hình sẽ tập trung vào các hoạt động: truyền thông cho thành viên tham gia mô hình các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, kiến thức và kỹ năng sản xuất, kinh doanh, bảo quản, quảng bá cũng như tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Giám sát nhằm phát hiện những hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm…
Bà Trương Nhựt Thẫm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 12 cho hay: Người bán đều được tập huấn kỹ năng cần thiết, kiểm tra sức khỏe; các điểm kinh doanh thực phẩm có biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh; vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi xung quanh quầy hàng; thực phẩm sống cách ly thực phẩm chín…
“Sẽ có hai nguồn thụ hưởng. Một là tiểu thương sẽ biết được những quy định về kinh doanh những mặt hàng an toàn thực phẩm. Đối với người tiêu dùng sẽ được mua những cái sản phẩm đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn gốc và an toàn.
Đối với mô hình này, tiểu thương rất vui, khi được tham gia được vận động, các tiểu thương đồng ý ngay, nhất là những tiểu thương đang kinh doanh những mặt hàng liên quan về thực phẩm tham gia các chị sẽ được tập huấn, được hướng dẫn những quy trình, quy cách năm sao để thực hiện đạt các tiêu chí về chợ an toàn thực phẩm”, bà Thẫm cho biết thêm.
Chợ truyền thống hạng 2 Tân Chánh Hiệp có tổng diện tích 7.754m2. Trong số 227 thương nhân đang kinh doanh tại chợ, có 179 người là hội viên phụ nữ. Hiện, chợ có khoảng 246 sạp kinh doanh thực phẩm. Khi được vận động tham gia mô hình, thương nhân trong chợ đã đồng lòng, ký cam kết thực hiện các nội dung của “Chợ an toàn thực phẩm.
Là một trong các tiểu thương tham gia vào mô hình, chị Phạm Thị Thu Hằng – hội viên thương nhân ngành hàng tạp hóa vui mừng bày tỏ: “Chợ an toàn thực phẩm, thứ nhất mình mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hóa đơn phải lưu lại. Tiểu thương được đi học kỹ năng bán hàng, hàng hóa phải còn date, có nguồn gốc rõ ràng và hàng của công ty. Đối với thương nhân chợ Tân Chánh Hiệp, đây là ý thức của thương nhân với sức khỏe cộng đồng nhằm đảm bảo rằng mọi sản phẩm kinh doanh ở chợ đều đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”.
Mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” tại chợ Tân Chánh Hiệp có 50 thành viên, trong đó, bà Đỗ Thị Hồng Ánh – Trưởng Ban quản lý chợ – là chủ nhiệm.
Bà Ánh cho biết: “Về kinh doanh hàng thực phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với các hàng thực phẩm, ví dụ như thực phẩm chế biến phải có hóa đơn, chứng từ, còn thực phẩm tươi sống phải có chứng từ từ các lò giết mổ hoặc các hóa đơn bán lẻ, còn những sản phẩm tự sản xuất ở địa phương phải có sổ cập nhật. Ban quản lý có hướng dẫn cho tiểu thương cập nhật sổ sách cũng như thu giữ những hóa đơn chứng từ hàng về mỗi ngày”.
Kinh doanh thủy hải sản tại quầy hàng rộng 3m2, điểm bày bán được lát gạch men sạch sẽ, chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương tại chợ Tân Chánh Hiệp phấn khởi khi “Quầy được trang bị thêm bảng hiệu để khách dễ nhận biết; điểm bán vệ sinh hơn trước, có đường thoát nước, lối đi thông thoáng nên người đi chợ không còn ngại vào chợ mỗi khi trời mưa.
Nguồn hàng lấy ở chợ đầu mối Bình Điền, có giấy phép, có dấu. Nguồn hàng có hóa đơn chứng từ, vì ở chợ đầu mối các tiểu thương lấy ở những sạp lớn nên ATTP cũng đầy đủ, quy trình đảm bảo”.
Tham dự lễ ra mắt, bà Trương Thị Thu Thủy – Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Gia đình – Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – thông tin, năm 2023, Trung ương hội chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình điểm. Trong năm 2024, nhân rộng mô hình tại 6 tỉnh/thành, gồm Hải Phòng, Tây Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TPHCM và Vĩnh Long.
Đặc biệt, việc ra mắt mô hình thí điểm “Chợ an toàn thực phẩm” tại chợ Tân Chánh Hiệp – Quận 12 sẽ giúp các hộ kinh doanh tại chợ hưởng lợi từ những kiến thức về tiêu thụ, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn, bà Thu Thủy nhắn nhủ: “Hình thành ra chợ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo chợ không khó nhưng duy trì để tạo cho chô một thương hiệu trong đời sống kinh doanh ở đây và trở thành thương hiệu có uy tín cho chính những người tham gia thành viên của mô hình.
Đây là sức bền và kỳ vọng nhất của Hội LHPN Việt Nam trao gửi đến các chị. Hội rất mong muốn mô hình Chợ an toàn thực phẩm đóng góp vào các tiêu chí chợ thương mại văn minh, “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, vừa niêm yết giá đúng, bán đúng giá bán hàng bình ổn. Không bao nilon, an toàn thực phẩm, trở thành thương hiệu của chợ và nhiều người dân thành phố sẽ muốn đến Chợ an toàn thực phẩm để sử dụng những thực phẩm an toàn”.
Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, thời gian tới, việc thực hiện nhân rộng mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ mà còn hạn chế thấp nhất thiệt hại do thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra cho người tiêu dùng:
“Việc ra mắt chợ an toàn thực phẩm, hội cũng mong muốn sắp tới sẽ có chỉ đạo thực hiện tại các chợ truyền thống của TPHCM để những thực phẩm an toàn đến với từng hộ dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng một gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe, cao hơn là phát huy giống nòi của những gia đình Việt Nam để làm sao mỗi thành viên gia đình là đều có sức khỏe trong cuộc sống”.
Trên thực tế, việc mở rộng các điểm kinh doanh an toàn thực phẩm tại các chợ không chỉ phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn giúp tiểu thương hiểu rõ lợi ích của chợ an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định. Đây cũng là một trong những cách để tạo sức hút và giữ chân khách hàng cho chợ truyền thống. Trong đó, sẽ lồng ghép, động viên tiểu thương chấp hành, đồng thời nêu chế tài xử lý khi buôn bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0975 730 849
Website: https://atvstp.org.vn
Nguồn: https://voh.com.vn/tin-tp-ho-chi-minh/tphcm-lan-dau-tien-co-cho-an-toan-thuc-pham-550436.html